Tối ưu hóa chẩn đoán động kinh ở người lớn (Tóm tắt)
Tối ưu hóa chẩn đoán động kinh ở người lớn
Nguyễn Duy Duẫn, Trần Thị Kim Anh, Nguyễn Xuân Nhân, Nguyễn Đình Toàn
Bộ môn Nội – Đại học Y Dược Huế & Phòng Điện não – Bệnh viện Đại học Y Dược Huế
Tóm tắt
Chẩn đoán động kinh luôn đặt ra nhiều thách thức, tỷ lệ chẩn đoán sai là thường gặp, 4.6 – 30% tùy vào nghiên cứu (Smith D, QJM, 1999). Động kinh là một chẩn đoán lâm sàng nên khai thác bệnh sử kỹ càng qua việc mô tả cơn là yếu tố cốt lõi để chẩn đoán cơn; điện não đồ và MRI sọ não để hỗ trợ chẩn đoán thể, hội chứng động kinh và nguyên nhân cấu trúc (Scheffer IE, Epilepsia, 2017).
Khai thác cơn qua việc mô tả của người chứng kiến cơn hoặc từ bệnh nhân có độ tin cậy còn hạn chế do nhiều nguyên nhân (Muayquil T.A, BMC Neurol, 2018). Do đó, việc hướng dẫn theo dõi video tại nhà – công cụ có thể ứng dụng rộng rãi với chi phí thấp là nguồn cung cấp thông tin hữu dụng cho các bác sĩ (Lorenzo R, Neurol. Sciences, 2020). Mức độ hiểu biết của bác sĩ thần kinh về biểu hiện cơn động kinh cũng ảnh hưởng đến việc khai thác bệnh sử (Seneviratne U, Epilepsia, 2012). Do đó, việc khai thác cơn dựa vào bảng kiểm mô cơn và phân loại cơn sẽ giúp nâng cao hiệu quả (Fisher RS, Epilepsia, 2017).
Điện não đồ bề mặt không chỉ giúp chẩn đoán mà còn giúp theo dõi cơn và phân loại hội chứng động kinh. Bản thảo khuyến cáo của ILAE đề cập đến các tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu khi đo điện não thường quy tăng độ chính xác và tính tin cậy (Pentola, 2022). Việc bổ sung các điện cực thái dương dưới làm tăng độ nhạy phát hiện các phóng điện trong động kinh thái dương (Seeck M, Clin Neurophysiol, 2017). Điện não đồ gây thiếu ngủ – thực hiện dễ dàng ngoại trú và tiết kiệm chi phí làm tăng độ nhạy trong phát hiện các phóng điện toàn thể (J P Leach, J Neurol Neurosurg Pschyatry, 2006). Điện não giấc ngủ tăng mức độ phát hiện các phóng điện dạng động kinh (Meritam P, Clin Neurophysiol, 2018) đặc biệt, có thể ứng dụng rộng rãi khi đo giấc ngủ trưa tại Việt Nam.
MRI sọ não giúp chẩn đoán nguyên nhân cấu trúc gây động kinh và điều trị phẫu thuật động kinh khi được cân nhắc. Quy trình chụp với độ phân giải cao, đẳng hướng, tái tạo 3D T1 và FLAIR ở mức 1 mili-mét và 2D T2 dưới 1 mili-mét (HARNESS-MRI protocol) được khuyến cáo có thể thực hiện trên máy MRI 3T hoặc tối thiểu 1.5T đời mới để phát hiện loạn sản cục bộ, teo hải mã, u củ, harmatoma hoặc sẹo, …. Để khảo sát tối ưu cấu trúc bên trong của hải mã cần chụp xung Spin echo vuông góc với trục dài của hải mã. Có thể bổ sung thêm: Gado khảo sát bất thường U, dị dạng mạch hoặc nhiễm trùng; xung T2* để phát hiện lắng đọng sắt, sản phẩm của máu và vôi hóa (Andrea B, Epilepsia, 2018).