Trang chủ » Giới thiệu chung về Hội Chống động kinh Việt Nam

ngày 18/08/2022 | 10:44 GMT + 7

Giới thiệu chung về Hội Chống động kinh Việt Nam

Giới thiệu chung về Hội Chống động kinh Việt Nam

 

Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, Nhiệm kỳ 2022 – 2027

Giới thiệu sơ lược về Hội Chống động kinh Việt Nam

Hội Chống động kinh Việt Nam được thành lập ngày 15 tháng 11 năm 2007, tại thủ đô Hà Nội. Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chống động kinh lần thứ nhất nhiệm kỳ 2007-2012 đã nhất trí bầu Chủ tịch là PGS.TS. Trần Viết Nghị và 16 thành viên trong Ban chấp hành. Bộ nội vụ đã phê duyệt Điều lệ Hội Chống động kinh Việt Nam số 499/QĐ-BNV ngày 24 tháng 4 năm 2008. Tiếp sau đó là ngày 2 tháng 1 năm 2022, Hội Chống động kinh Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ II, khoá II, nhiệm kỳ 2015-2021 để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chống động kinh lần thứ III (nhiệm kỳ 2022-2027).

Ngày 26 tháng 4 năm 2022, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chống động kinh lần thứ III (nhiệm kỳ 2022-2027) đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hội PGS.TS. Phan Việt Nga; 3 Phó chủ tịch: GS.TS. Cao Tiến Đức; TS. Trần Viết Lực; TS. Lê Anh Tuấn; tổng thư ký TS. Nguyễn Anh Tuấn và 28 thành viên trong ban chấp hành. Sau đó, ngày 12/6/2022 đã tổ chức họp thường vụ, kiện toàn phân công đầu mối các ban và xây dựng kế hoạch hoạt động Hội của nhiệm kỳ.

Tổ chức Hội

Ban Chấp hành Hội thần kinh Việt Nam gồm 28 ủy viên

Ban Thường vụ Hội Chống động kinh Việt Nam khóa III nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 9 ủy viên. Với chủ tịch là PGS. TS. Phan Việt Nga, 3 phó chủ tịch gồm: GS. TS. Cao Tiến Đức, TS. Trần Viết Lực, TS. Lê Văn Tuấn

Tổng thư ký: TS. Nguyễn Anh Tuấn,

Ban kiểm tra gồm 3  ủy viên, trưởng ban: TS. Trần Viết Lực

Ban tài chính gồm 3 ủy viên, trưởng ban: BS CK2 Nguyễn Thị Thanh Vân

Ban đối ngoại: trưởng ban TS. Lê Văn Tuấn.

Ban đào tạo: TS. Trần Viết Lực

Chức năng

  1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
  2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội.
  3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo quy định của pháp luật.
  4. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước; tổ chức dạy nghề, truyền nghề theo quy định của pháp luật.
  5. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Hội và lĩnh vực Hội hoạt động. Được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ liên quan đến chống động kinh theo quy định của pháp luật.
  6. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội.
  7. Thành lập pháp nhân thuộc Hội theo quy định của pháp luật để thực hiện một số nhiệm vụ của Hội, phù hợp với lĩnh vực hoạt động của Hội.
  8. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan đến chống động kinh theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
  9. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để phục vụ các nhiệm vụ của Hội. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao (nếu có).
  10. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật sau khi có ý kiến thống nhất của cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Hội hoạt động, cơ quan quyết định cho phép thành lập Hội về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Nhiệm vụ

  1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội trong lĩnh vực chống động kinh. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội đã được phê duyệt. Không được lợi dụng hoạt động của Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
  2. Tập hợp, đoàn kết hội viên, phát triển mở rộng, kết nạp hội viên mới, tổ chức phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến chống động kinh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
  3. Tăng cường vai trò định hướng và hướng dẫn chuyên môn đối với các hội viên về lĩnh vực chống động kinh theo quy định pháp luật. Định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng liên tục cập nhật kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho hội viên theo quy định của pháp luật.
  4. Liên kết, phối hợp, trao đổi, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn về khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực chống động kinh hoạt động theo quy định của pháp luật.
  5. Tăng cường phát triển mạng lưới chống động kinh trên cả nước nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng của hội viên. Nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về lĩnh vực chống động kinh.
  6. Đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển hội và lĩnh vực chống động kinh.
  7. Phổ biến, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định của Hội.
  8. Đại diện cho hội viên tham gia đóng góp ý kiến vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến lĩnh vực Hội hoạt động.
  9. Hòa giải tranh chấp, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật.
  10. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hội.
  11. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hội theo đúng quy định của pháp luật.
  12. Tham gia thực hiện công tác từ thiện xã hội: khám bệnh, phát thuốc phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội và quy định của pháp luật.
  13. Liên hệ và trao đổi, đặt mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ với các tổ chức, các hội ở trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực Hội hoạt động theo quy định của pháp luật.
  14.  Hàng năm, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội với Bộ Nội vụ, Bộ Y tế các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực Hội hoạt động theo quy định của pháp luật.
  15.  Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Về năng lực chuyên môn của Hội

Hội hiện có 12 Giáo sư – phó Giáo sư, ngoài ra có 15 tiến sỹ Y khoa chưa có học hàm GS/PGS.

Các ủy viên Ban Chấp hành hiện nay cũng đồng thời là trưởng Bộ môn Thần kinh của các trường Đại học: Y Hà Nội, Y Dược TP HCM, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương QĐ 108, Y Dược Thái Nguyên, Cần Thơ, …

Các ủy viên trung ương Hội cũng đồng thời là tác giả hoặc đồng tác giả của các sách giáo khoa và chuyên khảo về Thần kinh học.

Hội có trao đổi học thuật – bài giảng với các Hội Thần kinh Pháp, Hoa Kỳ….

 Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Hội phục vụ cho công tác đào tạo

Trụ sở của Hội:  tại 40 Tràng Thi Hà Nội, có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, với diện tích mặt bằng khoảng 100 m2 trong khuôn viên Trung tâm Thần kinh BV Việt Đức, diện tích xây dựng gần 200 m2 với tổng diện tích sử dụng trên 200 m2

Hội thường xuyên phối hợp đào tạo với các trường Y Dược, bệnh viện lớn: ĐH Y Hà Nội, BV Bạch Mai, BV TƯ QĐ108, BVQY 103 (khu vực phía Bắc) và các BV, trường ĐH Y Dược (khu vực phía Nam)…..

Trang thiết bị của các bệnh viện được trang bị hiện đại bao gồm các hệ thống xét nghiệm tự động, hiện đại, máy ghi điện não đồ thường qui, điện não đồ video, ghi điện não đồ giấc ngủ…..hệ thống máy chụp CT-Scanner 128 lát cắt, MRI,DSA..

Các bộ môn thuộc các trường do các ủy viên Ban chấp hành phụ trách, cùng các bệnh viện đều có trang thiết bị mô phỏng và bố trí các phòng học với các trang thiết bị phục vụ nghe nhìn, máy chiếu, máy tính, bảng bàn ghế phù hợp cho các khóa đào tạo liên tục được tổ chức thường xuyên cho cán bộ nhân viên của Hội

Về nhu cầu đào tạo liên tục của Hội

Với trên 300 cán bộ thường xuyên làm việc trên cả nước, để thực hiện theo thông tư 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, Hội Chống động kinh Việt nam cần đào tạo cho cán bộ của mình mỗi người 24 tiết học (3 ngày học tập liên tục)  để duy trì chứng chỉ hành nghề. Như vậy nếu tính mỗi lớp có khoảng 30 học viên học 3 ngày thì Hội cần phải tổ chức ít nhất 10 lớp học 1 năm.

Với nhu cầu cần đào tạo như vậy, Hội Chống động kinh Việt Nam cần thiết phải tự tổ chức đào tạo để nâng cao năng lực cho hội viên và các bệnh viện có nhu cầu nên mong muốn được Bộ Y tế cấp mã số đào tạo liên tục theo tinh thần thông tư số 22/2013/TT-BYTvề hướng dẫn việc đào tạo liên tục cán bộ y tế và Thông tư số 26/2020/TT-BYT về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 22 để Hội có thể chủ động đào tạo và sử dụng duy trì được đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh.

 Kinh nghiệm trong đào tạo

Từ nhiều năm nay, các cán bộ của Hội Chống động kinh Việt Nam cùng với Hội Thần kinh học Việt nam đã và đang thực hiện đào tạo các lớp CME thông qua hoạt động chuyên môn và tổng hội Y học Việt Nam. Mỗi năm riêng cấp Hội Thần kinh toàn quốc cũng tổ chức ít nhất 10 lớp CME. Vì vậy các cán bộ Hội hoàn toàn có thể độc lập tổ chức đào tạo Y khoa liên tục cho Hội.

 Phối hợp/ hợp tác đào tạo trong và ngoài nước

Từ hơn 10 năm nay, Hội Chống động kinh Việt Nam đã là thành viên của Liên đoàn Chống động kinh thế giới (ILAE-Intenational League Against Epilepsy). Liên đoàn Chống động kinh thế giới (ILAE) vẫn có thông tin, tài liệu, chương trình đào tạo cho các quốc gia, thành viên của Liên đoàn tại Việt Nam là TS. Lê Văn Tuấn.

Hội địa phương tại ĐH Y Dược TP HCM, BV Việt Đức thường xuyên mời GS. Pháp đến giảng dạy các khoá học chuyên về điện não, động kinh. ĐH Y Dược Huế và Hà Nội hàng năm đều tổ chức các lớp đào tạo của GS.Canada sang giảng dạy.

Các chuyên gia châu Á cũng thường được Hội Thần kinh Việt Nam mời sang giảng dạy trực tiếp trong các chương trình hội nghị.