Bệnh nhân hỏi bác sĩ trả lời
Câu 1: có phải tất cả các cơn co giật là động kinh?
Cơn co giật (cơn động kinh) là hoạt động kịch phát, đồng bộ, bất thường, quá mức của một quần thể các tế bào thần kinh vỏ não gây ra và biểu hiện trên lâm sàng bằng các dấu hiệu vận động, cảm giác, giác quan hoặc tâm thần. Cơn co giật là một triệu chứng của bệnh động kinh nhưng không phải tất cả những người xuất hiện cơn co giật đều là động kinh – là một quá trình bệnh lý đặc trưng bằng những cơn ngắn, định hình, đột ngột, có khuynh hướng tái phát do sự phóng điện đột ngột quá mức từ vỏ não hoặc qua vỏ não của nhứng nhóm nơron, gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Co giật cũng có thể là kết quả của chấn thương, hạ đường máu, rối loạn điện giải, sốt cao, lạm dụng rượu hoặc ma tuý. Ngoài ra còn có những cơn co giật giả động kinh, thường do nguyên nhân tâm lý. Với những cơn này thì mặc dù triệu chứng lâm sàng rất giống động kinh nhưng điện não đồ bình thường hoàn toàn.
Câu 2: Khi gặp bệnh nhân co giật, nên sơ cứu thế nào?
Không ít người dân đã rơi vào tình huống khó xử khi gặp người bị co giật và trở nên luống cuống không biết xử trí sao cho đúng để giúp người đang bị co giật qua nhanh cơn và thoát khỏi tình trạng nguy hiểm không ảnh hưởng tới tính mạng. Khi phát hiện có người bị co giật, chúng ta cần giữ bình tĩnh để giúp đỡ họ. Đặt người bị co giật nằm nghiêng, nhẹ nhàng nâng cằm để mở rộng đường thở và giúp họ thở dễ dàng hơn, không bị ngạt trong trường hợp bị nôn. Đặt một vật mềm (có thể là một tấm chăn hoặc quần áo) để bảo vệ đầu, tránh bị tổn thương. Loại bỏ hết các vật cứng xung quanh và để yên chờ cho cơn co giật qua đi. Không được cho vật gì vào miệng người bị co giật. Khi cơn co giật đã qua, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức và đưa người bệnh đến trung tâm y tế cấp cứu gần nhất.
Câu 3: bệnh động kinh có di truyền không?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần biết về nguyên nhân của động kinh. Động kinh được chia thành 3 nhóm dựa theo nguyên nhân:
– Bệnh động kinh nguyên phát: thường do gen, tức là liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy nhiên, không phải tất cả những bệnh nhân này đều có khả năng di truyền cho con cái của họ. Có một số loại động kinh có thể di truyền sang thế hệ khác. Nhưng cũng có loại do đột biến gen, xảy ra lần đầu tiên ở một cá nhân. Tuy nhiên cũng có những người bị đột biến gen có thể không bao giờ bị động kinh. Có thể khuynh hướng di truyền kết hợp với điều kiện môi trường mới dẫn đến động kinh.
– Bệnh động kinh căn nguyên ẩn, tức là bệnh có nguyên nhân gây ra, nhưng hiện chưa tìm được nguyên nhân đó là gì. Vì vậy chúng ta cũng chưa kết luận được tính di truyền của loại động kinh này. – Bệnh động kinh triệu chứng, tức là do tổn thương trên não gây ra như chấn thương đầu, tổn thương não trước khi sinh của trẻ, u não, dị dạng mạch máu não, đột quỵ, viêm màng não, viêm não virus… thì không có tính chất di truyền.