Điều trị trạng thái động kinh kháng trị (Tóm tắt)
Điều trị trạng thái động kinh kháng trị
TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn
Trưởng khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức
Tóm tắt
Trạng thái động kinh (TTĐK) hay Status epilepticus (SE) là tình trạng được gây ra bởi: Thất bại trong cơ chế giới hạn cơn động kinh hoặc do bắt đầu cơ chế gây ra cơn động kinh kéo dài (sau mốc thời gian t1). Trạng thái động kinh là tình trạng có thể có các hậu quả lâu dài, tùy thuộc loại cơn hoặc thời gian cơn động kinh kéo dài: tổn thương thần kinh, thay đổi cấu trúc thần kinh, chết tế bào thần kinh (sau mốc thời gian t2).
Trạng thái động kinh được phân loại dựa theo các trục: triệu chứng học, căn nguyên, điện não, tuổi. Trên lâm sàng thường áp dụng phân loại theo triệu chứng học gồm hai loại chính: trạng thái động kinh co giật và trạng thái động kinh không co giật.
Trạng thái động kinh không co giật (NCSE) được định nghĩa là tình trạng cơn động kinh không ưu thế vận động kéo dài trên 10’. Ở bệnh nhân hôn mê thì nếu bản ghi điện não có các hoạt động điện não dạng động kinh kéo dài liên tục trên 30’ trong 1h ghi điện não (tương đương với >50%) cũng được coi là NCSE. Bệnh nhân thường có rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Trạng thái động kinh cục bộ không có rối loạn ý thức hiếm gặp.
Điều trị trạng thái động kinh theo các hướng dẫn điều trị của Hội Động kinh Hoa Kỳ hoặc Liên hội Chống động kinh Quốc tế theo các mốc thời gian cụ thể. Ưu tiên sử dụng các thuốc kháng động kinh đường tĩnh mạch.